Kinh tế tri thức - nền tảng cho phát triển của Việt Nam trong tương lai

Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới; đồng thời cũng đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại, sản xuất toàn cầu. Để giữ vững vị trí này, Việt Nam cần đầu tư cho nền kinh tế tri thức.

 

Chú thích ảnh
Chương trình talkshow truyền cảm hứng cho giới trẻ với Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thu hút 1.200 người tham gia. 
 

Ngày 6/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình talkshow truyền cảm hứng giữa giới trẻ với Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới. Chương trình nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh lần 5 năm 2024 (HEF 2024).

Tại buổi nói chuyện, Giáo sư Klaus Schwab cho biết, sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược. Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Trong đó, người trẻ phải trang bị kiến thức mới của thời đại 4.0 để xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, bền vững theo hướng chuyển đổi công nghiệp. Ở đó, mỗi người trẻ đều có trách nhiệm quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Thế hệ trẻ Việt Nam cần định hướng mình sẽ đóng góp vào sự phát triển của đất nước và là người làm chủ đất nước tương lai. 

Chú thích ảnh
Giáo sư Klaus Schwab và ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tham quan các gian hàng tại chương trình.
 

"Việt Nam với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6 đến 7% là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Vì vậy, việc tập trung phát triển nền kinh tế tri thức sẽ là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam bền vững", Giáo sư KLaus cho biết.

Theo PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, những chia sẻ của Giáo sư Klaus Schwab sẽ giúp giới trẻ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức. Giới trẻ TP Hồ Chí Minh cũng hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, của công nghệ trong sự phát triển kinh tế, đây còn là cơ hội để sinh viên và doanh nhân trẻ nắm bắt những cơ hội toàn cầu, giúp giới trẻ Việt Nam kết nối với thế giới và ngược lại trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình sáng 6/10.
 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang trên đà thực hiện mục tiêu kép là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng. Do đó, chủ đề trao đổi hôm nay rất thiết thực vì thông qua hoạt động đối thoại này sẽ góp phần đưa ra các giải pháp cần cho sự phát triển nền kinh tế tri thức của Thành phố. Hiện nay, các lãnh đạo sở, ban ngành, doanh nghiệp, giới trẻ - được xem là những thành viên đã và sẽ đóng góp tích cực, trực tiếp vào công cuộc kiến thiết, xây dựng và phát triển của Thành phố. 

"Vai trò tiên phong của giới trẻ không chỉ tri thức chuyên môn mà còn sự nhiệt huyết, tư duy đột phá và tinh thần dấn thân. Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung. Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng trong tương lai", ông Phan Văn Mãi nói.

Chú thích ảnh
Giáo sư Klaus Schwab cùng các đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
 

Trước đó, vào chiều 5/10, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng bày tỏ vui mừng khi được chào đón Giáo sư Klaus Schwab cùng phu nhân và các cộng sự WEF đến thăm thành phố. Theo lãnh đạo Thành phố, chuyến thăm lần này của Giáo sư có ý nghĩa đặc biệt khi Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) đánh dấu sự cộng tác giữa TP Hồ Chí Minh và WEF sau hơn 2 năm thảo luận, đã chính thức được ra mắt vào ngày 25/9 vừa qua.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức